Khi lỗi thuộc về những vì sao
Phan_13
“Tôi không xấu xí. Cô mới là đồ xấu xí, cô gái thở bình dưỡng khí à.”
“Ông là một kẻ hèn nhát!” Tôi quát ầm ĩ, và anh Augustus cười phá lên, quên mất nhân vật mình đang đóng. Tôi ngồi xuống. Chúng tôi kể Mẹ nghe về Nhà lưu niệm Anne Frank, cắt ra đoạn hôn nhau.
“Thế các con có trở lại nhà Van Houten sau đó không?” Mẹ hỏi.
Augustus thậm chí còn không cho tôi thời gian kịp đỏ mặt, đã đáp luôn: “Không ạ, chúng cháu ghé vào một quán cà phê. Ở đó, Hazel ‘giảng’ cho cháu nghe về biểu đồ Venn rất mắc cười.” Anh đá mắt sang tôi. Chúa ơi, anh thật quyến rũ.
“Nghe hay nhỉ,” bà nói. “À, giờ Mẹ sẽ đi dạo để hai đứa tự nhiên nói chuyện,” bà nói với Gus, giọng hơi sắc cạnh. “Sau đó chúng ta có thể làm một tour tham quan bằng thuyền trên kênh.”
“Dạ, cũng được,” tôi đáp. Mẹ để lại một tờ năm euro dưới chiếc đĩa lót ly rồi hôn lên tóc tôi, thì thầm, “Mẹ yêu con, yêu ơi là yêu,” bà nói dư hai chữ yêu so với thường ngày.
Anh Gus chỉ bóng các nhánh cây giao nhau và tẽ ra trên lớp bê-tông. “Đẹp quá ha em?”
“Dạ,” tôi đáp.
“Thật là một phép ẩn dụ hay,” anh lẩm bẩm.
“Thật không?” Tôi tò mò hỏi lại.
“Hình ảnh tiêu cực của những thứ quấn quít nhau và sau đó chia lìa nhau,” anh giải thích. Trước mặt chúng tôi, hàng trăm người lướt qua, kẻ chạy bộ, người đạp xe hoặc có tốp còn trượt patin. Amsterdam là một thành phố dành cho các hoạt động và vận động, một thành phố không nên di chuyển bằng xe ô-tô, và có một cảm giác rõ ràng là tôi không thuộc về nơi này. Nhưng Chúa ơi, nó đẹp nên thơ, nhánh sông uốn lượn quanh một cây cổ thụ, một con cò đứng im lìm bên mép nước, dõi mắt tìm bữa sáng giữa hàng triệu cánh hoa du trôi bồng bềnh trên dòng nước.
Nhưng anh Augustus chẳng để ý đến cảnh đẹp. Anh quá bận tâm quan sát sự dịch chuyển của bóng cây. Cuối cùng anh cũng cất tiếng, “Anh có thể nhìn như thế này cả ngày, nhưng chúng ta nên về khách sạn.”
“Chúng ta có thời gian không?” Tôi băn khoăn.
Anh cười buồn, đáp, “Phải chi là có.”
“Anh muốn nói gì?” Tôi thắc mắc.
Anh chỉ hất đầu về hướng khách sạn.
Chúng tôi đi trong im lặng, anh Augustus đi trước, cách tôi nửa bước. Tôi sợ hãi đến độ không thể hỏi xem liệu mình có lý do gì để sợ hãi hay không.
Là vầy, có một hệ thống được gọi là Tháp nhu cầu của Maslow. Về cơ bản, cái ông Abraham Maslow này trở nên nổi tiếng là nhờ vào lý thuyết về nhu cầu của mình, rằng một số nhu cầu nhất định phải được đáp ứng trước khi ta có thể phát sinh các loại nhu cầu khác. Tháp nhu cầu đó trông như thế này:
Một khi nhu cầu về thực phẩm và nước uống được thỏa mãn, ta sẽ tiến lên tầng tiếp theo của tháp nhu cầu, mong muốn được an toàn cơ thể, và sau đó sẽ lên các tầng tiếp theo và tiếp theo nữa. Nhưng điều quan trọng là, theo ông Maslow, trừ phi nhu cầu sinh lý của ta được thỏa mãn, chứ không thì ta cũng chẳng buồn quan tâm đến nhu cầu an toàn hay quan hệ xã hội chi tiết, chứ đừng nói đến nhu cầu được “tự thể hiện,” cấp độ mà ta bắt đầu hướng đến sáng tạo nghệ thuật, tư duy về đạo đức và vật lý lượng tử cùng những vấn đề cao siêu cỡ đó.
Nếu theo Maslow, tôi đang bị kẹt trên tầng thứ hai của tháp nhu cầu, khi sức khỏe chưa được đảm bảo an toàn và do đó không thể với đến tình yêu, sự tôn trọng, cảm hứng nghệ thuật hay bất cứ điều gì khác cao xa hơn. Mà điều đó thì rõ ràng thật vớ vẩn: nhu cầu thôi thúc sáng tạo nghệ thuật hay suy ngẫm triết lý nhân sinh không hề nguôi ngoai khi bạn đau ốm. Niềm thôi thúc ấy càng cháy bỏng hơn trước bệnh tật.
Tháp nhu cầu của Maslow dường như ngụ ý rằng thân phận tôi kém cỏi hơn so với những người khác, và hầu hết mọi người dường nhu đồng ý với quan điểm này của ông. Nhưng anh Augustus thì không. Tôi luôn luôn nghĩ rằng anh có thể đã yêu tôi bởi vì anh cũng từng bị bệnh. Và giờ đây tôi thấy có lẽ anh vẫn thế.
Chúng tôi đến phòng của tôi, Kierkegaard. Tôi ngồi xuống bên mép giường và mong anh sẽ đến ngồi bên cạnh, nhưng anh đã yên vị trên chiếc ghế hoa hòe hoa sói đầy bụi. Cái ghế ấy. Bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Năm mươi tuổi chăng?
Tôi thấy bồn chồn trong dạ khi anh chậm rãi kéo một điếu thuốc ra đặt lên môi. Anh ngả người ra sau và thở dài. “Ngay trước khi em vào Phòng chăm sóc đặc biệt ICU, anh đã bắt đầu thấy đau ở hông.”
“Không đâu,” tôi cắt ngang. Sự căng thẳng dâng lên và nhấn chìm tôi trong đó.
Anh gật đầu như xác nhận. “Thế nên anh đã đi chụp cắt lớp.” Anh dừng lại, giật phắt điếu thuốc ra và nghiến chặt răng.
Phần lớn cuộc đời của tôi được dành cho nỗ lực không khóc trước mặt những người yêu quý tôi, vì vậy tôi biết những gì anh Augustus đang cố làm. Bạn nghiến chặt răng, nhìn lên trần. Bạn tự nhủ rằng nếu họ thấy bạn khóc, nước mắt sẽ làm tổn thương họ. Và bạn sẽ chẳng là gì ngoài Một Nỗi Buồn Thương trong cuộc sống của họ. Mà bạn không được trở thành một nỗi buồn thương vô hạn như vậy, nên bạn sẽ không khóc. Bạn tự nhủ những điều này với chính mình trong khi mắt vẫn nhìn lên trần nhà, rồi sau đó nuốt nước mắt vào trong mặc dù cổ họng bạn khô khốc. Để rồi cuối cùng bạn nhìn vào mắt người yêu quý bạn và mỉm cười rạng rỡ.
Anh nở nụ cười nửa miệng quen thuộc và nói, “Anh cháy sáng như một cây thông Noel, Hazel Grace. Từ lồng ngực đến hông trái rồi xuống gan, khắp toàn thân.”
Khắp toàn thân. Từ đó treo lơ lửng trong không gian đặc quánh. Cả hai chúng tôi đều biết ý nghĩa của nó. Tôi đứng dậy, kéo lê người cùng giá ô-xy trên tấm thảm mà có lẽ tuổi đời còn dài hơn quãng thời gian anh Augustus có thể sống được, đến bên anh. Tôi quỳ dưới chân ghế, ngả đầu vào lòng anh và vòng tay ôm anh.
Anh vuốt tóc tôi. “Em rất tiếc,” tôi nói.
“Anh xin lỗi đã không nói chuyện này với em,” anh nói, giọng rất bình tĩnh. “Mẹ em chắc biết. Cách bà nhìn anh. Chắc mẹ anh đã nói với bà hay sao đó. Lẽ ra anh nên nói sớm với em. Anh thật ngu ngốc và ích kỷ.”
Tôi biết tại sao anh đã chẳng nói gì, dĩ nhiên, cũng cùng lý do như tôi khi tôi không muốn anh nhìn thấy mình trong Phòng chăm sóc đặc biệt. Tôi không thể giận anh dù chỉ một giây. Và đến bây giờ, khi đã và đang yêu một ‘trái bom nổ chậm’, tôi hiểu ra mình thật ngốc khi cố gắng cứu mọi người khỏi mối nguy lãnh những mảnh đạn tan tác của chính mình: Tôi không thể thôi yêu anh Augustus Waters được. Và tôi cũng chẳng muốn thế.
“Thật không công bằng,” tôi nói. “Thật chẳng công bằng tí nào.”
“Thế giới này,” anh nói, “không phải là một công xưởng sản xuất điều ước.” Và sau đó lớp vỏ cứng cỏi của anh bị phá vỡ, chỉ trong một chốc, tiếng nức nở của anh vỡ ra đầy bất lực như một tiếng sấm rền trong không trung mà không có tia sét nào lóe lên, một âm thanh tàn bạo khủng khiếp mà với những người không chuyên trong lĩnh vực đau khổ này có thể nhầm lẫn là vì yếu đuối. Sau đó anh kéo tôi lên, mặt anh rất gần với mặt tôi, giọng rất cương quyết, “Anh sẽ chiến đấu với căn bệnh. Anh sẽ chiến đấu vì em. Đừng lo cho anh, Grace Hazel. Anh vẫn ổn. Anh sẽ tìm ra cách để kéo dài sự sống và quấy nhiễu em thêm một thời gian lâu thật lâu.”
Nước mắt tôi trào ra. Anh mạnh mẽ trở lại, ôm chặt tôi đến nỗi tôi có thể thấy cánh tay cuồn cuộn cơ của anh vòng quanh mình khi anh nói, “Anh xin lỗi. Em sẽ ổn thôi. Mọi chuyện sẽ ổn thôi. Anh hứa!” và lại nhếch miệng cười.
Anh hôn lên trán tôi. Và tôi chợt thấy lồng ngực vạm vỡ của anh không căng tràn như trước. “Anh nghĩ cuối cùng mình cũng sở hữu một cố tật.”
Một lúc sau, tôi kéo anh vào giường, nằm cạnh anh trong khi anh kể tôi nghe là họ đã bắt đầu chạy hóa trị giảm đau, nhưng anh đã bỏ ngang để lên đường đi Amsterdam, mặc cho ba mẹ anh nổi trận lôi đình. Họ đã cố gắng ngăn anh đừng đi cho tới tận sáng hôm đó, khi tôi nghe anh hét rằng cơ thể của anh thuộc về bản thân anh. “Thật ra chúng ta có thể dời ngày bay mà anh!” Tôi nói.
“Không, không được đâu em,” anh phản đối. “Dù sao thì chữa trị cũng vô ích thôi, anh biết là nó không hữu hiệu mà, em hiểu không.”
Tôi gật đầu đồng tình, “Chỉ vớ vẩn cả thôi, toàn bộ liệu trình.”
“Họ sẽ thử nghiệm gì đó khác khi anh về đến nhà. Họ luôn nảy ra ý tưởng mới.”
“Ừ,” tôi đồng cảm vì bản thân đã từng là vật thử nghiệm của đủ loại liệu trình chữa trị.
“Phần nào anh đã lừa dối em để em tin là mình đang yêu một người khỏe mạnh,” anh nói.
Tôi nhún vai. “Em cũng làm như vậy với anh mà!”
“Không, em chẳng phải như vậy, chẳng ai tuyệt vời như em hết.” Anh âu yếm hôn tôi và chợt nhăn mặt.
“Đau lắm hả anh?” Tôi hỏi.
“Không. Chỉ hơi đau thôi.” Anh nhìn chằm chằm lên trần nhà một lúc lâu rồi nói. “Anh thích thế giới này. Anh thích uống sâm-banh. Anh không thích hút thuốc. Anh thích nghe giọng người Hà Lan nói tiếng Hà Lan. Và bây giờ… anh thậm chí còn không có được một trận chiến. Anh không thể chiến đấu.”
“Anh sẽ phải chiến đấu chống ung thư,” tôi nói. “Đó là cuộc chiến của anh. Và anh sẽ tiếp tục chiến đấu quật cường,” tôi động viên anh. Tôi ghét khi ai khác cố gắng động viên tinh thần tôi để sẵn sàng cho cuộc chiến, nhưng giờ đây tôi lại đang làm điều đó với anh. “Anh sẽ… anh sẽ… sống thật tốt cho ngày hôm nay. Giờ, đây là cuộc chiến của riêng anh.” Tôi thấy coi thường mình vì kiểu tình cảm ủy mị ướt át này, nhưng tôi còn có gì khác để trao anh?
“Một cuộc chiến ư?” anh hỏi ngược lại vẻ khinh miệt. “Anh chiến đấu với cái gì? Căn bệnh ung thư của anh. Và bệnh ung thư của anh là gì? Là chính bản thân anh. Các khối u tạo ra anh. Chúng tạo ra anh cũng giống như não anh, tim anh hình thành nên vậy. Đây là một cuộc nội chiến, Hazel Grace à, và phe chiến thắng đã được xác định trước.”
“Anh Gus,” tôi thốt lên. Tôi không thể nói bất cứ điều gì khác. Anh thừa thông minh để hiểu những lời an ủi vớt vát mà tôi có thể nghĩ ra.
“Được rồi em,” anh nói. Nhưng tôi vẫn chưa nói hết. Sau một lúc, anh nói, “Nếu em đi đến Bảo tàng Rijksmuseum, điểm mà anh thực sự muốn tham quan - nhưng chúng ta đang đùa chắc, cả hai đứa đều không thể đi bộ quanh một viện bảo tàng nổi. Nhưng dù sao anh cũng đã xem bộ sưu tập trưng bày của nó trên mạng trước khi chúng ta bay đến đây. Nếu em có thể đi, và hy vọng một ngày nào đó em sẽ đi được, em sẽ nhìn thấy rất nhiều bức tranh vẽ người đã chết. Em sẽ thấy Chúa Giêsu trên thập giá, em sẽ thấy một anh chàng bị đâm vào cổ, em sẽ thấy người ta chết đuối trên biển, hy vọng trong chiến tranh và một cuộc diễu hành của những người tử vì đạo. Nhưng Không. Có. Một. Bệnh. Nhi. Ung. Thư. Nào cả. Cũng chẳng có ai chết vì mắc bệnh dịch hạch, bệnh đậu mùa hay sốt vàng da hoặc bất cứ chứng bệnh gì, vì bệnh tật chẳng có gì vinh quang cả. Chết vì bệnh không có ý nghĩa mà cũng chẳng có vinh dự gì hết.”
Abraham Maslow, con xin trình Ngài chàng thanh niên Augustus Waters, người mà có óc tò mò về sự sinh tồn đã làm lu mờ đi những anh em đồng đạo được “ăn sung mặc sướng,” hết mực yêu chiều và khỏe mạnh cường tráng. Trong khi đa phần con trai tiếp tục cuộc sống hưởng thụ mù quáng mà không mảy may suy tư thì anh Augustus Waters đã bỏ thời gian nghiên cứu bộ sưu tập của bảo tàng Rijksmuseum từ xa.
“Sao vậy?” Anh Augustus hỏi sau một hồi quan sát.
“Không có gì,” tôi đáp. “Chỉ là em…” tôi bỏ lửng và không biết làm thế nào để kết thúc câu. “Chỉ là em rất, rất thích anh.”
Anh cười nửa miệng, mũi anh rất gần với mặt tôi. “Cảm xúc tương đồng. Anh không nghĩ là em có thể quên chuyện đó và cư xử như anh không phải là một người sắp chết.”
“Em không nghĩ là anh sắp chết,” tôi nói. “Em nghĩ anh chỉ bị ung thư sơ sơ thôi.”
Anh mỉm cười. Đùa cợt trước giá treo cổ. “Anh đang ngồi trên một chiếc tàu lượn siêu tốc mà chỉ thẳng hướng đi lên,” anh nói.
“Và trách nhiệm cũng như đặc quyền của em là cùng anh lái nó đi lên.” Tôi hùa thêm.
“Có lố lăng không khi anh muốn thử hôn em vậy?”
“Không có thử gì hết,” tôi thì thầm, “Chỉ có làm thật thôi.”
Chương 14
Trên chuyến bay về, khi chúng tôi đang ở độ cao khoảng ba ngàn sáu trăm thước trên những đám mây mây cách mặt đất ba ngàn thước, anh Gus bảo, “Anh từng nghĩ sống trên mây rất vui.”
“Ừ đúng rồi,” tôi hào hứng. “Giống như sống trong nhà phao, nhưng không phải lúc nào cũng thế.”
“Nhưng rồi có một hôm trong tiết khoa học hồi cấp hai, thầy Martinez hỏi xem ai trong lớp từng mơ được sống trên mây, và cả lớp đều giơ tay. Sau đó, thầy Martinez thủng thỉnh bảo với bọn anh rằng ở độ cao trên đây gió thổi hơn một trăm năm mươi dặm một giờ, nhiệt độ là âm ba mươi độ, hoàn toàn không có ô-xy và khi ở trên mây tất cả chúng ta sẽ chết trong vòng vài giây.”
“Ông thầy nghe có vẻ ‘lành tính’ dữ ha!”
“Thầy ấy là dũng sĩ diệt giấc mơ đó Hazel Grace. Để anh kể em nghe. Em nghĩ núi lửa có tuyệt không? Thế có còn tuyệt nữa không khi nó đã chôn vùi mười ngàn người tại thành cổ Pompeii. Em vẫn thầm tin rằng thế giới này là do phép thuật tạo ra? Đó chỉ là các phân tử không có linh hồn va vào nhau một cách ngẫu nhiên thôi. Em có lo lắng xem ai sẽ chăm sóc mình nếu ba mẹ em mất đi không? Em cũng nên nghĩ đến việc đó đi, vì trước sau gì họ cũng bị dòi ăn thôi.”
“Đôi khi không biết nhiều mà lại hay,” tôi nói.
Một tiếp viên đẩy xe nước giải khát đi ngang qua, liên tục hỏi khẽ, “Quý khách dùng nước không ạ? Quý khách dùng nước không ạ? Quý khách dùng nước không ạ? Quý khách dùng nước không ạ?” Gus chồm qua người tôi, giơ tay hỏi, “Vui lòng cho chúng tôi ít sâm-banh.”
“Cậu đủ hai mươi mốt tuổi chưa?” chị hỏi đầy nghi ngờ. Tôi đưa tay chỉnh lại đầu phun ô-xy trong mũi một cách lộ liễu. Chị tiếp viên mỉm cười, sau đó liếc nhìn Mẹ tôi đang ngủ say. “Bà sẽ không thấy phiền chứ?” chị hỏi.
“Không đâu,” tôi trấn an chị.
Nghe thế chị bèn rót rượu sâm-banh vào hai chiếc ly nhựa. Đặc Quyền của Bệnh Nhân Ung Thư mà!
Anh Gus và tôi cụng ly, “Chúc mừng em!” anh nói.
“Chúc mừng anh!” Tôi nói, chạm ly vào ly anh.
Chúng tôi nhấm nháp. Cảm giác không chếnh choáng nhiều sao bằng sâm-banh ở Nhà hàng Oranjee, nhưng vẫn uống được.
“Em biết không,” anh Gus nói với tôi, “tất cả mọi điều ông Van Houten nói đều là sự thật.”
“Cũng có thể, nhưng ông ấy không cần hằn học về mọi chuyện như vậy. Em không tin là ông ta đã tưởng tượng ra tương lai cho chú Chuột Hamster Sisyphus mà không hề nghĩ đến mẹ của Anna.”
Anh Augustus nhún vai. Đột nhiên anh có vẻ hơi xao lãng. “Anh ổn chứ?” Tôi hỏi.
Anh lắc đầu thật khẽ. “Đau,” anh đáp gọn lỏn.
“Ngực à?”
Anh gật đầu, nắm chặt bàn tay. Sau này, anh mô tả cơn đau như thể có một ông béo một chân mang giày cao gót đứng ngay chính giữa ngực anh. Tôi gập khay để thức ăn trở lại lưng ghế trước, khóa lại rồi cúi xuống lục tìm thuốc trong ba lô của anh. Anh nốc một viên với rượu sâm-banh. “Ổn chưa anh?” Tôi hỏi lại lần nữa.
Anh Gus ngồi yên, đấm đấm vào tay vịn, rang chờ cho thuốc phát huy tác dụng, loại thuốc không giảm đau mà cũng chẳng giúp anh thoát khỏi cơn đau tái phát (và thoát khỏi cả tôi nữa).
“Toàn bộ câu chuyện hơi mang tính cá nhân,” anh Gus yếu ớt nói. “Giống như ông ấy giận chúng ta vì một lý do riêng tư nào đó. Cái ông Van Houten ấy!” Anh uống ừng ực hớp rượu còn lại trong ly và nhanh chóng ngủ thiếp đi.
Ba tôi đã chờ sẵn trong khu trả hành lý, giữa một rừng tài xế limo sang trọng trong bộ suit đường hoàng đang giơ đủ loại bảng tên đón khách: JOHNSON, BARRINGTON, CARMICHAEL. Ba cũng có một bảng hiệu của riêng ông thiết kế. GIA ĐÌNH THÂN THƯƠNG CỦA TÔI, bên dưới còn ghi thêm (VÀ GUS).
Tôi ôm chầm lấy Ba, và ông sụt sịt khóc (dĩ nhiên). Trên đường về nhà, anh Gus và tôi thi nhau kể chuyện Amsterdam cho ông nghe. Nhưng mãi đến khi tôi về đến nhà, nối dây vào máy Philip, thong thả vừa xem kênh truyền hình Mỹ trên mạng với Ba vừa ăn pizza Mỹ (chúng tôi để thẳng miếng pizza trên khăn ăn xếp trong lòng), tôi mới có dịp nói với ông về chuyện anh Gus.
“Bệnh tình của anh Gus tái phát,” tôi kể ông nghe.
“Ba biết,” ông đáp. Ông nhích qua chỗ tôi và nói thêm: “Trước chuyến đi mẹ thằng bé có nói cho Ba Mẹ biết. Ba xin lỗi vì thằng bé đã không cho con biết. Ba… Ba xin lỗi con, con gái à.” Tôi không nói gì trong một lúc lâu. Chúng tôi đang xem chương trình lựa chọn ngôi nhà ưng ý mà những người tham gia sẽ mua. “À, Ba có đọc cuốn Nỗi đau tột cùng trong lúc hai mẹ con vắng nhà,” Ba nói.
Tôi quay đầu nhìn Ba. “Ồ, tuyệt quá. Vậy Ba thấy sao?”
“Truyện hay. Hơi khó hiểu với Ba. Con hãy nhớ rằng Ba là dân hóa sinh, chứ không phải dân chuyên văn. Ba ước gì truyện có đoạn kết”
“Dạ,” tôi nói. “Ai cũng phàn nàn như thế.”
“Truyện cũng hơi tuyệt vọng,” ông nói thêm. “Hơi mang tư tưởng chủ bại.”
“Nếu Ba nói chủ bại có nghĩa là trung thực thì con đồng ý.”
“Ba không nghĩ tư tưởng chủ bại là trung thực,” ông trả lời. “Ba từ chối chấp nhận định nghĩa đó.”
“Vậy mọi việc xảy ra đều có nguyên do cả và chúng ta đều sẽ sống trên mây, trong những dinh thự nguy nga và suốt ngày chỉ biết chơi đàn hạc thôi à?”
Ba mỉm cười. Ông vòng cánh tay hộ pháp ôm tôi và hôn lên đầu tôi. “Ba không biết mình tin tưởng điều gì, Hazel à. Ba từng nghĩ khi đã trưởng thành, người ta sẽ biết rõ mình tin tưởng những gì, nhưng đến nay Ba vẫn chưa biết con ạ.”
“Dạ,” tôi đáp. “Thôi được rồi.”
Ba lấy làm tiếc với tôi lần nữa về chuyện anh Gus, và sau đó chúng tôi quay lại xem chương trình, những người tham gia đã chọn được một ngôi nhà ưng ý. Tay Ba vẫn vòng ôm tôi, còn tôi cũng bắt đầu lơ mơ ngủ, nhưng tôi chưa muốn đi ngủ lúc này. Chợt Ba bật thốt: “Con biết Ba tin gì không? Ba nhớ hồi đại học, Ba đã đăng ký học toán, một lớp toán thực sự tuyệt vời do một cô giáo nhỏ con đứng lớp. Khi ấy cô đang giảng về thuật toán biến đổi Fourier nhanh thì cô chợt dừng giữa chừng và nói, ‘Đôi khi có vẻ như vũ trụ muốn được chú ý.’
“Đó là những gì Ba tin. Ba tin rằng vũ trụ này muốn được chú ý. Ba nghĩ rằng vũ trụ hơi thiên về ý thức, và nó chỉ tán dương trí thông minh phần nào bởi còn mải thích thú việc người khác quan sát vẻ thanh lịch của nó. Và Ba là ai kia, chỉ là một người sống trong một giai đoạn lịch sử, quá ngắn ngủi để có thể nói với vũ trụ rằng sự quan sát đó - chính xác hơn là sự quan sát của Ba - chỉ mang tính tạm thời.”
Một hồi sau tôi nhận xét, “Ba quả là một người thông minh!”
“Con quả là một người giỏi nhận xét,” ông trả lời.
Buổi chiều hôm sau, tôi lái xe qua nhà anh Gus và ăn bánh mì sandwich, bơ đậu phộng và mứt với ba mẹ anh và kể cho họ nghe chuyện ở Amsterdam trong khi anh ngủ trên xô-pha phòng khách, nơi chúng tôi từng xem phim V for Vendetta. Từ nhà bếp tôi chỉ thấy thấp thoáng dáng anh: Anh nằm ngửa, đầu quay ngược hướng tôi, và đã được đặt ống thông nội tĩnh mạch PICC. Họ đang tấn công ung thư bằng một công thức pha chế thuốc mới. Hai loại thuốc hóa trị và một loại hấp thụ protein mà họ hy vọng sẽ vô hiệu hóa gen đột biến gây bệnh ung thư trong cơ thể anh. Anh Gus thật may mắn mới có tên trong danh sách thử nghiệm, ba mẹ anh chia sẻ với tôi. May mắn ư? Tôi biết một trong các thuốc đó. Chỉ nghe tên thôi cũng đủ làm tôi muốn nôn mửa.
Một lúc sau, mẹ anh Isaac đưa anh sang chơi.
“Chào anh Isaac, em là Hazel từ Hội Tương Trợ đây, không phải cô bạn gái cũ trời ơi của anh đâu.” Mẹ anh dắt anh đi về phía tôi. Tôi nhấc người khỏi ghế và ôm chầm lấy anh, trong khi anh mất một chốc mới tìm thấy tôi. Anh ghì chặt tôi.
“Amsterdam thế nào?” Anh hỏi.
“Tuyệt cú mèo!” Tôi trả lời.
“Waters,” anh gọi. “Mày đâu rồi, người anh em?”
“Anh ấy đang ngủ,” tôi trả lời, và giọng tôi không giấu được. Isaac lắc đầu một cách buồn bã trong khi tất cả mọi người đều im lặng.
“Chết tiệt!” Isaac thốt lên sau một giây. Mẹ anh dắt anh đến ngồi xuống một chiếc ghế cô vừa kéo ra.
“Tao vẫn có thể hạ đẹp mày trong trò Chống phiến loạn đó nhé,” anh Augustus nói mà không quay đầu nhìn chúng tôi. Giọng anh có phần chậm hơn dưới tác dụng của thuốc, nhưng nhờ vậy anh mới nói với tốc độ của người bình thường.
“Tao cá tất cả bọn đần đều bị mù,” anh Isaac vừa trả lời vừa quơ tay trong không khí hòng tìm mẹ anh. Cô nắm lấy tay anh, kéo anh đứng dậy và dẫn anh đi về phía chiếc xô-pha. Hai anh chàng vụng về ôm nhau. “Mày thấy trong người thế nào?” Anh Isaac hỏi thăm.
“Miệng tao lúc nào cũng đắng nghét. Nhưng ngoài chuyện bực mình đó ra thì bạn mày đang ngồi trên một chiếc tàu lượn siêu tốc mà chỉ thẳng hướng đi lên, hiểu chưa cu,” anh Gus đáp khiến anh Isaac cười ngất. “Thế mắt mày sao rồi?”
“Ồ, tuyệt vời,” anh nói. “Ý tao là giờ tao không để tâm đến chuyện mắt mũi nữa.”
“Nghe hay đó, ừ, phải thế chứ,” anh Gus bảo. “Không phải có ý chơi trội mày hay gì đâu nhưng người tao giờ toàn là tế bào ung thư.”
“Tao có nghe nói,” anh Isaac đáp, cố không để cho câu chuyện ảnh hưởng đến anh. Anh mò mẫm tìm tay anh Gus nhưng kết quả lại sờ trúng đùi anh ấy.
“Tao đang vào thuốc,” anh Gus cho biết.
Mẹ anh Isaac mang ra hai chiếc ghế trong phòng ăn cho anh Isaac và tôi ngồi cạnh anh Gus. Tôi nắm lấy tay anh Gus, mân mê chỗ hõm giữa ngón cái và ngón trỏ của anh.
Người lớn kéo nhau xuống tầng hầm, chắc cùng chia sớt nỗi buồn hay gì đó với nhau, để lại ba đứa chúng tôi trơ trọi trong phòng khách. Sau một lúc, anh Augustus quay đầu về phía chúng tôi, vẫn chưa tỉnh ngủ hẳn. “Monica sao rồi mày?” anh hỏi.
“Lặn mất tăm!” Anh Isaac đáp. “Không email, không thiệp thiếc gì hết. Tao có cái máy này đọc hộ email cho tao, cũng hay phết. Tao có thể đổi giọng nam hay nữ, hoặc chọn giọng theo vùng miền, hoặc mấy trò linh tinh khác.”
“Vậy tao có thể gửi cho mày một câu chuyện khiêu dâm và mày sẽ chỉnh giọng một ông già người Đức đọc cho mày nghe phải không?”
“Chính xác,” anh Isaac nói. “Nhưng mẹ tao vẫn còn giúp tao chỉnh máy, nên gượm đã. Hãy để câu chuyện khiêu dâm qua chất giọng Đức này chờ thêm một hoặc hai tuần nữa đã.”
“Chị ấy thậm chí chẳng nhắn tin hỏi thăm tình hình sức khỏe của anh à?” Tôi hỏi. Tôi thấy chuyện này như một hành động bất công không thể chấp nhận được.
“Hoàn toàn ngoài vùng phủ sóng,” anh Isaac nói.
“Buồn cười vậy!” Tôi không khỏi lấy làm bất bình.
“Anh đã thôi không suy nghĩ về chuyện đó nữa. Thú thật là anh không có thời gian để gặp gỡ bạn gái. Giờ anh có một công việc chiếm toàn thời gian là Học Cách Làm Người Mù.”
Anh Gus lại quay đầu đi, chăm chú nhìn ra ngoài cửa sổ về phía sân sau. Anh nhắm mắt lại.
Anh Isaac hỏi tôi khỏe không và tôi đáp rằng tôi vẫn khỏe. Anh kể cho tôi nghe về một cô gái mới tham gia Hội Tương Trợ có giọng nói rất quyến rũ. Và anh cần tôi đi theo để nói với anh xem liệu cô ấy có thật sự quyến rũ không. Thế rồi đột nhiên anh Augustus bảo, “Người ta không thể không liên hệ với bạn trai cũ của mình sau khi anh ta bị múc cặp mắt ra như vậy.”
“Chỉ là một trong những-” An Isaac mở miệng định nói.
“Hazel Grace, em có bốn dollar ở đó không?” Anh Gus hỏi ngang.
“Dạ có,” tôi ngơ ngác đạp. “Chi vậy anh?”
“Hay lắm. Em tìm giùm cái chân giả của anh ở dưới bàn cà phê,” anh chỉ. Anh Gus chống người ngồi thẳng dậy và nhích xuống cuối ghế xô-pha. Tôi đưa cho anh cái chân giả và anh chậm chạp gắn nó vào.
Tôi giúp anh đứng lên và chìa một tay cho anh Isaac vịn, rồi dẫn anh đi tránh đồ nội thất trong phòng khi đột nhiên chúng có vẻ cứ ngáng ngang đường chúng tôi. Và tôi chợt nhận ra rằng, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, tôi là người khỏe nhất trong phòng.
Tôi lái xe. Anh Augustus ngồi ghế trước. Anh Isaac ngồi ở băng ghế sau. Chúng tôi dừng trước một cửa hàng tạp hóa. Theo hướng dẫn của anh Augustus, tôi xuống mua một tá trứng trong khi hai anh ngồi chờ trong xe. Sau đó anh Isaac, theo trí nhớ của mình, chỉ đường chúng tôi đến nhà chị Monica, một ngôi nhà hai tầng rất ảm đạm gần Trung tâm Cộng đồng Do Thái JCC. Chiếc Pontiac Firebird thập niên 1990 màu xanh lá mạ của chị Monica nằm chễm chệ trước lối vào nhà, lốp xe căng phồng.
“Tới chưa em?” Anh Isaac hỏi khi thấy tôi sắp dừng xe.
“Ồ, tới rồi,” anh Augustus đáp. “Mày biết sao không, Isaac? Nó giống như tất cả những hy vọng hão huyền mà chúng ta đã ngu ngốc đặt niềm tin vào vậy.”
“Vậy là em ấy có ở nhà hả?”
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian